SAO LUNG LINH + NGHÈO Ý TƯỞNG = KHÁN GIẢ THỜ Ơ

Share on:
Share on facebook

Cả “rừng sao” đã không đủ kéo khán giả đến với hai cuộc thi “múa hát” gần đây, vì sao?

Dù có mhiều gương mặt âm nhạc đình đám tham gia nhưng Thần tượng đối thần tượng (VTV3) và Sàn đấu vũ đạo (HTV7) không có rating cao như kỳ vọng. Cả hai cuộc thi đều đi theo format “kinh điển” để hút người xem trong thời gian gần đây: cả thí sinh lẫn giám khảo đều là người nổi tiếng.

Thần tượng đối thần tượng trên VTV3

Phiên bản 2021 Thần tượng đối thần tượng quy tụ hầu hết các ca sĩ đang sở hữu lượng fan khủng như Erik, Thanh Duy, Ali Hoàng Dương, Han Sara, Orange… Trên hàng ghế giám khảo cũng đều là những tên tuổi có ảnh hưởng tại các cuộc thi âm nhạc là nhạc sĩ Khắc Hưng, Nguyễn Hải Phong, Hà Lê Nimbia. Các nhà sản xuất rất tự tin sẽ giành được sự chào đón cuồng nhiệt của người hâm mộ tương tự như chương trình tiền thân của nó The Remix.

Nhờ vậy, các chiêu tung hứng giữa thí sinh, giám khảo, MC và dàn khách mời nhà báo, đại diện truyền thông tạo được phần nào sự kịch tính và hài hước.

Thanh Duy tham gia cuộc thi Thần tượng đối thần tượng

Chương trình Sàn đấu vũ đạo càng có nhiều thí sinh là người nổi tiếng hơn. Họ chia thành từng đội và kết hợp với một biên đạo tài năng để “nhảy đấu” với các đội còn lại. Các tên tuổi như Thiều Bảo Trang, Thái Ngân, Ly Ly, Liz Kim Cương và những nhân tố mới đang được giới trẻ say mê Hậu Hoàng, rapper Hành Or, Tlinh, Katleen Phan Võ… sẽ thi thố kỹ năng “trái ngành” của bản thân. Hầu hết là ca sĩ, diễn viên chưa từng nhảy chuyên nghiệp trên sân khấu.

Thành phần giám khảo của Sàn đấu vũ đạo gồm John Huy Trần, Noo Phước Thịnh và một vị giám khảo khách mời thay đổi theo từng tập. Đông Nhi là khách mời đầu tiên cho tập một. Cô cùng Noo Phước Thịnh tạo ra những tiếng cười. Vai trò dẫn chương trình của Ngô Kiến Huy Tuyền Tăng trong chương trình cũng phần nào giúp không khí sôi động.

Sàn đấu vũ đạo của HTV7

Tuy nhiên, tất cả chỉ có thế. Còn lại, sự xuất hiện dày đặc của các ca sĩ, nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc, KOL hiện tượng mạng… lại bất ngờ không thể giúp cả hai cuộc thi bùng nổ về mặt truyền thông. Một lượng lớn khán giả thờ ơ. Hiếm có những bàn luận sau mỗi tập phát sóng. Các phần thi của thí sinh cũng không được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội.

Theo chúng tôi, thời điểm hiện tại các chương trình như vậy không có được sự đột phá nào về định dạng ý tưởng, không có cái mới lạ nên khó hút sự quan tâm của khán giả là đương nhiên.

Hai thí sinh nổi tiếng của Sàn đấu vũ đạo

Chúng ta thấy RAP Việt đã gây ra “cơn địa chấn” năm 2020. Thành công của cuộc thi kết tinh từ nhiều yếu tố. Trong đó, yếu tố quyết định vẫn là format khác biệt của đội ngũ dàn dựng, đồng thời, chương trình đã chọn đúng điểm rơi trong “gu thưởng thức” của khán giả trẻ. Tổng hòa các yếu tố “chưa giống ai” đã giúp chương trình khuất phục, lôi kéo người xem háo hức chờ đợi từng tập chương trình được phát sóng.

Hiện các cuộc thi truyền hình nếu “chỉ biết có mỗi chiêu” quy tụ người nổi tiếng mà quên đi các yếu tố căn bản như RAP Việt đã có thì rất khó có sức công phá trong bối cảnh bão hòa nhu cầu game show của đa số khán giả.

Những thay đổi so với “cha đẻ” The Remix chưa thể làm nên những khác biệt giúp Thần tượng đối thần tượng “cưa đổ” công chúng. Thậm chí, với Sàn đấu vũ đạo, còn phải nhận điểm âm to tướng khi khâu thiết kế không gian sân khấu quá lỗi thời, kỹ thuật quay hình chưa xứng tầm với tên gọi là đấu trường của những người nổi tiếng.

An An

Bình luận

Gửi bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin liên quan
Lost your password?
Login with