Là những người đam mê lễ hội âm nhạc, thường xuyên đến những sự kiện có sức chứa hàng nghìn đến hàng trăm nghìn người. Liệu bạn có bao giờ tự hỏi rằng bạn cần làm gì để cứu lấy mình và người khác nếu rơi vào một đám đông hỗn loạn chưa?
Dưới đây là một số lời khuyên của các chuyên gia mà EDM Vietnam Community sưu tầm được và muốn chia sẻ đến mọi người. Hãy đọc hết nhé!
1. Nhận biết mối nguy hiểm
Nguy hiểm luôn đến bất cứ lúc nào, phòng trước mối nguy hiểm vẫn tốt hơn là rơi vào tình huống rồi mới đối phó với nó.
– Quan sát, lưu ý tất cả các lối thoát tại nơi diễn ra sự kiện. Thay vì nhanh chóng hoà nhập vào đám đông để tận hưởng những màn trình diễn tuyệt vời thì bạn nên làm quen với môi trường xung quanh và xác định vị trí các lối thoát. Tìm cho mình một chỗ đứng và ghi nhớ lối thoát gần nhất.
– Nhận biết bầu không khí chung của sự kiện: cảnh hỗn loạn thường được dự báo trước. Nếu bạn bắt đầu cảm thấy không thoải mái, nên xem xét rời khỏi đó trước khi quá muộn. Bạn nên nhớ, dù chỉ là vài giây nhưng cũng tạo nên sự khác biệt lớn.
– Cách phát hiện mật độ đám đông.
< 5 người/1m2: Bạn có thể không thoải mái, nhưng vẫn ổn.
> 6 người/1m2: Nó bắt đầu trở nên nguy hiểm.
8 người/1m2: Hầu hết tỷ lệ này khiến mọi người đều có thương tích hoặc tệ hơn.
Nếu bạn cảm thấy mọi người đang chạm vào bạn trên cả hai vai hoặc một số vị trí trên cơ thể bạn cùng một lúc, mật độ có thể là khoảng từ sáu người trở lên. Nếu còn thời gian và có thể di chuyển, hãy thoát ra ngoài. Đó là tín hiệu báo động.
2. Sống sót trong đám đông hoảng loạn
– Điều đầu tiên quan trọng nhất: TUYỆT ĐỐI KHÔNG HOẢNG LOẠN. Bạn nên nhớ rằng, người ta thường ch.ết vì hậu quả của sự sợ hãi, chứ ít ai ch.ết vì nguyên nhân gây ra nỗi sợ hãi. Hãy bình tĩnh và tập trung quan sát, giữ bình tĩnh sẽ giúp bạn kiểm soát hơi thở tốt hơn.
– Tránh bị dồn về phía tường hoặc rào: bởi vì chỉ cần 6-7 người cùng đẩy về một hướng có thể tạo một lực đủ bẻ cong lan can thép hoặc lật đổ bức tường gạch. Trong các vụ giẫm đạp, hầu như các nạn nhân đều ra đi là do phải chịu một lực ép quá lớn khiến họ không thể thở, dẫn đến ngạt.
– Nếu có thể, hãy tìm một vị trí cao để đứng. Nếu bạn ở trong nhà thì có thể đứng lên quầy bar, đồ nội thất, hoặc bất cứ thứ gì chắc chắn. Còn nếu ở ngoài trời, cây cối, nóc xe có thể là vị trí cao bạn nên lựa chọn. Đừng cố gắng chạy theo đám đông mà không suy nghĩ, hãy đứng lên các vị trí cao đó, quan sát và tận dụng thời gian để áp dụng các biện pháp thoát hiểm tự cứu lấy mình.
– Bảo vệ ngực: để tránh bị ngạt thở do những người xung quanh chèn ép. Hãy giơ tay ngang ngực như thể đang chơi đấm bốc, và dùng chúng để giữ người khác tránh mình tốt nhất có thể. Giữ tư thế đó và sử dụng lực bằng tay để đẩy lùi người khác và cho bạn không gian thở.
– Đứng thẳng và di chuyển theo đám đông: giữ bản thân đứng được nghe tưởng dễ nhưng làm thì khó, đặc biệt là khi ở gần bạn có nhiều người đổ ngã. Nếu bạn đã từng ở trong một đám đông, bạn sẽ biết dòng người đẩy rất mạnh. Bạn có đứng vững như nào thì cũng không chống chọi lại được. Cách tốt nhất để không bị ngã là di chuyển theo dòng người. Ngay khi cảm thấy dòng người đang tới, hãy để bản thân di chuyển cùng chiều và tập trung đứng cho thẳng. Giữa các đợt thì tiếp tục đi theo hướng tới lối thoát phù hợp nhất. Không thúc ép, không cố gắng đi ngược chiều để tránh mất sức, không đứng im hoặc ngồi xuống bởi bạn sẽ dễ bị xô ngã và bị giẫm đạp. Không cố chạy thật nhanh để thoát ra, làm như thế càng khiến bạn có nguy cơ bị xô đẩy và ngã nhiều hơn.
– Hãy giúp đỡ người khác: Hiệu ứng đám đông gây ra hiệu ứng tâm lý dây chuyền, vì vậy bạn hãy cố gắng giúp đỡ những người bên cạnh mình, họ sẽ giúp đỡ bạn hoặc giúp đỡ những người cạnh họ. Điều đó sẽ tạo ra một bầu không khí tích cực và giúp mọi thứ bớt tồi tệ.
3. Nếu chẳng may bạn bị ngã
– Khi chuẩn bị ngã hoặc bạn bị ngã, hãy đưa tay ra, hét thật to để cố gắng thu hút sự chú ý của người bên cạnh. Nếu họ thấy bạn gặp nguy, biết đâu họ sẽ giúp đỡ.
– Nơi không có ai kéo, hãy nắm lấy bất kì mọi thứ xung quanh để đứng dậy.
– Nếu bạn vẫn không thể đứng dậy và bắt đầu có nguy cơ bị giẫm đạp: hãy cuộn tròn thành “tư thế thai nhi” – tư thế nằm cuộn tròn, ngực chạm đùi giống như thai nhi trong bụng mẹ. Tư thế này có thể sẽ giảm thiểu tối đa tác động, xung lực cũng như chấn thương vùng ngực, bụng – nơi chứa các cơ quan nội tạng quan trọng.
Nguồn: khoahoc.tv, Cafebiz, RVN