HI-END vẫn âm thầm chảy cùng những kẻ khắt khe với âm thanh

Share on:
Share on facebook

Gần đây, thông tin một số ca sĩ sắp cho ra mắt các album theo chuẩn âm thanh Hi-End đã khiến dân chơi dòng thiết bị sang chảnh này nhấp nhổm.

Có thể kể đến các dự án Hi-End của nghệ sĩ guitar Hoàng Minh với album hoà tấu Đêm không ngủ, gồm các ca khúc nổi tiếng như Hạ trắng, Mười năm tình cũ, Buồn ơi chào mi… Hoặc tám ca khúc quen thuộc ghi dấu ấn cá nhân ca sĩ Phương Thanh sẽ được phối mới, như Trống vắng, Tiếng rao… trong album Hi-End acoustic rock. Hiện Thanh Thảo cũng đang trong giai đoạn hoàn thành album chuẩn Hi-End của mình.

Album Hi-End acoustic rock của Phương Thanh

Các dàn thiết bị tái tạo âm thanh đỉnh cao Hi-End không xa lạ đối với giới thưởng lãm sành điệu trong nước. Thế nhưng, về phía sản xuất, Hi-End vẫn là sân chơi đầy thách thức. Để có được bản thu chất lượng thượng thặng, âm thanh trung thực, đòi hỏi từ thiết bị đến phòng thu phải được đầu tư cực lớn.

Trong khi phương thức sản xuất nhạc phổ biến hiện tại là công nghệ số với một vài thiết bị cơ bản như micro, máy tính, ứng dụng chỉnh âm NSX, nghệ sĩ đã có thể cho ra đời một sản phẩm âm nhạc hoàn chỉnh. Ưu điểm của digital là chi phí rẻ, nhanh chóng, tiện lợi. Các phần mềm NSX giúp dễ dàng điều chỉnh giai điệu, thậm chí giọng hát ca sĩ.

Nghệ sĩ guitar Hoàng Minh

Còn với Hi-End trên nền tảng analog? Hoàn toàn không đơn giản như vậy. Để có được cảm giác hệt như lạc vào một con hẻm mà nghe được Tiếng rao mộc mạc trong ca khúc do Phương Thanh thể hiện, một sản phẩm chuẩn Hi-End đòi hỏi quá trình cân chỉnh, phối âm trên các thiết bị cứng chuyên dụng. Điều này bắt buộc nhà sản xuất phải có hiểu biết sâu về âm thanh, làm chủ công cụ và khả năng thẩm âm tốt.

Một phòng thu chuẩn có mức giá khoảng 1 triệu USD. Mỗi chiếc micro có giá không dưới 25.000 USD, các loại dây dẫn ngốn từ hàng nghìn USD mỗi mét là chuyện bình thường. Chưa kể, từng loại nhạc cụ phải được đặt tại không gian có thiết kế phù hợp nhằm bảo đảm âm thanh gốc đặc trưng của nhạc cụ đó phát ra chất nhất.

Nhờ vậy, không chỉ chuyển tải âm thanh hoàn hảo đến từng chi tiết, dân chơi đặc biệt ngây ngất với Hi-End còn do khả năng tái hiện không gian của công nghệ này. Từng tiếng gãy dây, hơi thổi hay tiếng gõ đều hiện lên rõ nét trong clip âm thanh. Nó thực đến nỗi người nghe có thể phỏng đoán được vị trí của các nhạc cụ.

Dân chơi thường dành phòng riêng cho việc thưởng thức âm thanh Hi-End

Như đã nói, việc sản xuất tốn kém, cả về nhân lực lẫn thời gian. Theo giám đốc Nguyễn Đức Studio, chi phí đầu tư, sản xuất nhạc theo công nghệ digital chỉ bằng 1% so với công nghệ analog chuẩn Hi-End. Còn theo giám đốc Class A Recording Studio, sản xuất âm thanh Hi-End tương tự như nấu ăn. Nguyên liệu tốt, người nấu giỏi, mới cho ra món ngon, chất lượng cao. Sau khi hoàn tất quá trình thu dựng, album nhạc được “đóng gói” trong đĩa CD, đĩa than, băng cối… phát hành ra thị trường.

Album của Phương Thanh mất đến nửa năm mới thực hiện xong dù chỉ có vỏn vẹn tám bài. Ca sĩ, nhạc công phải tìm được sự hoà hợp cảm xúc mới có thể cho ra sản phẩm tốt nhất nên khá mất thời gian. Ngoài ra, album của cô với định dạng băng cối được bán với giá lên đến 7 triệu đồng. Về mặt thị trường, sản phẩm chỉ có thể “thành công” với đối tượng khách hàng là những fan ruột của Phương Thanh và những bài hát gắn liền với tên tuổi ca sĩ.

Đầu chơi băng cối

Với “tín đồ” Hi-End, vài triệu cho đến chục triệu đồng một đĩa, băng là điều không có gì quá to tát. Bởi để thưởng thức được những âm thanh được phát ra trên những thiết bị lưu trữ “cổ” này, dân chơi hẳn nhiên đã sở hữu những dàn âm thanh Hi-End có giá từ vài trăm triệu đến hàng chục tỷ đồng. Dàn cơ bản nhất gồm một thiết bị phát (streaming online, đầu băng cối, đầu đĩa than, đầu đĩa CD…), ampli và cặp loa. Người có điều kiện hơn còn bố trí phòng riêng để phục vụ nhu cầu nghe nhạc.

Thiết bị chơi Hi-End mới tinh thường phải đặt mua ở nước ngoài. Cũng có hàng second-hand bán trong nước nhưng phải thật sành mới dám mua. Nhiều website, diễn đàn, fanpage trên mạng cung cấp thông tin tham khảo, tư vấn miễn phí từ cộng đồng để người chơi chọn được thiết bị tốt, phù hợp.

Thú chơi Hi-End phần nào thể hiện đẳng cấp kinh tế của tay chơi. Đa số có độ tuổi đã “dày” và điều kiện tài chính ổn định. Nhưng tiền không hẳn là tất cả trong cuộc chơi này. Trên hết, đầu tư Hi-End không đơn thuần chỉ để thể hiện sự thành đạt, giàu có, người chơi phần lớn muốn thỏa mãn sự khó tính trong thưởng thức âm nhạc của mình.

Băng thu âm giá khoảng 10 triệu đồng/cuộn có dung lượng 3 bài hát

Các thiết bị thường được mua từ nhiều hãng khác nhau tùy theo sở thích, gu thẩm mỹ của từng tay chơi. Do đó, tính chất, sự vận hành sẽ không đồng bộ. Điều này đòi hỏi người chơi phải nắm rõ các quy tắc âm thanh, thiết kế, kết nối phù hợp để đạt hiệu quả nghe tốt nhất.

Thực tế, cũng có người sở hữu các thiết bị trị giá tiền tỷ nhưng lại không biết cách sử dụng, sắp xếp nên âm thanh kém hẳn so với người chỉ chơi dàn máy ngót nghét vài trăm triệu, nhưng vẫn khiến người nghe đã đời với chất lượng âm thanh.

Ông Nguyễn Viết Văn – Chủ tịch Hội Audio Phú Yên – cho hay, hiện tại địa phương có khoảng 10 người chơi Hi-End. Dàn âm thanh đắt nhất có khoảng 5-6 tỷ đồng. Đi đến tỉnh thành nào, họ cũng có thể gặp “tri âm Hi-End” để chia sẻ đam mê. Họ luôn mong muốn việc chơi, thưởng thức nhạc Hi-End được phổ biến rộng rãi như chơi cây cảnh, chim chóc, đồ cổ…

Niềm đam mê nào cũng chỉ nhằm đạt được những khám phá mới, tìm kiếm, chia sẻ với những người bạn mới có cùng sở thích. Thế giới của người đam mê Hi-End sâu lắng, chân thật hệt như thứ âm thanh phát ra từ đồ chơi của họ.

Bình luận

Gửi bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin liên quan
Lost your password?
Login with